Mùa mưa, mùa của Sốt Xuất Huyết
Sắp bước vào mùa mưa, dịch sốt xuất huyết (SXH) có xu hướng gia tăng mạnh ở nhiều tỉnh, thành, nhất là miền Trung, Tây Nguyên. Dịch bệnh đang có nguy cơ bùng phát mạnh, người dân cần tích cực phòng chống, không xem thường, không chủ quan.
Diễn biến phức tạp của SXHSXH là bệnh nhiễm trùng cấp tính, có quanh năm. Tuy vậy, vào mùa mưa nó có khả năng lây lan nhanh và bùng phát thành dịch. Ở các tỉnh phía Nam là vùng lưu hành dịch bệnh SXH cho nên virut Dengue gây bệnh SXH lúc nào cũng có. Vào mùa mưa, muỗi truyền bệnh SXH (muỗi vằn) có khả năng phát triển mạnh, nhất là vào thời gian từ tháng 6 - 11 do nhiệt độ, môi trường, độ ẩm thích hợp cho sự phát triển của chúng.
Theo nhận định của các nhà chuyên môn thì dịch SXH thường phát triển theo chu kỳ, cứ 3 năm lại có một lần dịch bùng phát. Hiện nay, điểm nóng của dịch SXH tập trung tại một số tỉnh miền Trung như Phú Yên, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Bình Định, Gia Lai, Đăk Lăk.
Ở Hà Nội đã ghi nhận thêm 7 ổ dịch mới, nâng tổng số ổ dịch SXH từ đầu năm đến nay lên thành 48 ổ dịch, tăng 33% so với cùng kỳ năm 2012 (32 ổ dịch). Các ổ dịch tập trung tại 13 quận, huyện như: Đống Đa, Hoàng Mai, Hà Đông, Hai Bà Trưng.
Với dịch SXH năm nay, ở Hà Nội đã có sự xuất hiện thêm týp huyết thanh virut Dengue D3. Đến hết ngày 11/8, trong 86 trường hợp SXH đã được lấy mẫu máu làm xét nghiệm sinh học phân tử (Polymerase Chain Reation: PCR) thì có 12/86 trường hợp dương tính với týp D3. Điều này cũng không có gì mới, bởi vì, theo số liệu điều tra, theo dõi về diễn biến dịch SXH ghi nhận tại Hà Nội trong nhiều năm qua cho thấy chủng virut Dengue gây bệnh SXH tại Hà Nội và một số quận, huyện đó là virut Dengue có 4 týp: Dengue 1 (D1); Dengue 2 (D2); Dengue 3 (D3); Dengue 4 (D4) và những týp virut này luân chuyển nhau, thay phiên nhau trong mỗi một thời kỳ dịch.
Như vậy có thể khẳng định “đây không phải là chủng virut lạ” và không có dấu hiệu dịch bệnh bất thường tại thời điểm này.Lý do làm cho dịch SXH gia tăng mạnh là vì mùa mưa, muỗi có điều kiện đẻ trứng và thời tiết cũng rất thuận lợi để trứng muỗi phát triển thành bọ gậy (loăng quăng). Thêm vào đó, theo ý kiến của Cục Y tế dự phòng thì miền Trung đang thiếu nước sinh hoạt cho nên người dân thường dự trữ nước ở các chum, vại, lu, bể chứa nước mà không có nắp đậy hoặc nắp đậy không đảm bảo để muỗi chui vào đẻ trứng.
Mặt khác, cũng theo Cục Y tế dự phòng thì để phòng ngừa bệnh SXH vẫn chưa có biện pháp gì mới, chủ yếu là phun thuốc diệt muỗi khi phát hiện ổ dịch và tuyên truyền, vận động người dân diệt loăng quăng (bọ gậy), diệt muỗi. Tuy nhiên, cho dù tuyên truyền mạnh mẽ nhưng ý thức của người dân chưa cao, còn chủ quan, lơ là xem thường bệnh SXH.
Nhiều nơi không thường xuyên phát quang bụi rậm hoặc không khơi thông cống rãnh, các vũng nước quanh nhà, ao tù, nước đọng, các vật dụng ứ đọng nước mưa (lốp xe hỏng, vỏ dừa...), đậy nắp bể nước nên loăng quăng vẫn phát triển. Việc chống muỗi đốt (nằm màn) vẫn chưa được thực hiện một cách triệt để. Đối với tác nhân gây bệnh (virut Dengue) cũng làm cho việc phòng, chống bệnh khó khăn thêm. Nếu các vụ dịch SXH năm nay mà trùng với týp huyết thanh của virut Dengue năm ngoái thì tỷ lệ người năm nay mắc SXH sẽ giảm đi vì đã có miễn dịch, nhưng nếu có thay đổi týp huyết thanh thì nguy cơ mắc bệnh SXH sẽ tăng mạnh hơn do cơ thể chưa có miễn dịch.
Ngoài ra, nếu SXH gia tăng còn có lý do là chưa có vaccin phòng bệnh, chưa có thuốc hóa dược điều trị bệnh cũng như điều trị dự phòng. Sự nguy hiểm của bệnh SXHBệnh SXH ngày nay được xem là bệnh nguy hiểm vì vừa mang tính cấp tính vừa mang tính truyền nhiễm (bệnh dịch). Cả nước có trên 13.900 trường hợp mắc SXH trong 6 tháng đầu năm 2013, trong đó đã có 10 trường hợp tử vong. Trước đây, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đây là bệnh của trẻ em, bởi vì 90% các trường hợp mắc SXH xảy ra ở trẻ dưới 15 tuổi và thường mang tính chu kỳ.
Tuy vậy, ở Việt Nam trong những năm gần đây, tình hình SXH diễn biến rất phức tạp, không những ở trẻ em mà người lớn cũng mắc, với tỷ lệ gần tương đương nhau. Đặc biệt, bệnh không diễn tiến theo chu kỳ, gần như số ca mắc ngày càng tăng và diễn tiến theo chiều hướng phức tạp. SXH là nguyên nhân làm cho khoảng 100.000 trường hợp phải nhập viện mỗi năm.
SXH cũng đã được đưa vào chương trình mục tiêu quốc gia và các ngành chức năng đã thực hiện nhiều biện pháp phòng chống. Sự nguy hiểm của bệnh SXH còn có lý do là diễn biến lâm sàng của bệnh rất phức tạp, nhất là trẻ nhỏ, đặc biệt trong những ngày đầu của bệnh. Một số trường hợp bị xuất huyết dưới da không điển hình rất dễ nhầm với sốt phát ban hoặc có trường hợp trẻ sốt 5 ngày không có biểu hiện gì đáng kể, nhưng vài ngày sau đó thấy chảy máu trong hoặc men gan tăng rất cao (chứng tỏ tế bào gan bị hủy hoại nhiều) hoặc viêm cơ tim cấp...
Nguyên tắc phòng SXHTrước hết cần tăng cường các biện pháp tuyên truyền cho người dân biết tác hại và các biện pháp phòng SXH để họ hiểu, không còn chủ quan, xem thường và tích cực phòng chống. Bởi vì công việc chống dịch SXH là công việc của toàn dân, không riêng gì một ngành nào, cấp nào, nếu người dân còn chủ quan, lơ là hoặc chưa hiểu hết mối nguy hiểm của dịch bệnh SXH thì rất khó cho việc khống chế, dập tắt dịch. Diệt muỗi, loăng quăng bằng mọi biện pháp và nằm màn khi đi ngủ (cả ban ngày và ban đêm) là 3 biện pháp cần đặc biệt quan tâm hàng đầu trong việc chống dịch SXH.